6 điểm mới của Thông tư 88/2021 về chế độ kế toán hộ kinh doanh
Từ ngày 01/01/2022, việc lập chứng từ kế toán và ghi sổ kế toán của các hộ kinh doanh sẽ được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 88/2021/TT-BTC. Trong đó có một số điểm mới đáng chú ý sau đây:
Điểm 1. Hộ kinh doanh được lựa chọn chế độ kế toán
Trước tiên, cần khẳng định, chế độ kế toán theo hướng dẫn tại Thông tư 88/2021 của Bộ Tài chính không áp dụng chung cho tất cả các hộ kinh doanh như quy định hiện hành (Quyết định 169/2000/QĐ-BTC).
Thay vào đó, đối tượng áp dụng Thông tư mới là các hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai (tức là hộ kinh doanh có quy mô về doanh thu, lao động đáp ứng từ mức cao nhất về tiêu chí của doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa).
Do đó, khoản 2 Điều 3 Thông tư 88 quy định, hộ kinh doanh được lựa chọn thực hiện chế độ kế toán theo Thông tư này hoặc chế độ kế toán doanh nghiệp siêu nhỏ sao cho phù hợp với nhu cầu quản lý cũng như đặc điểm hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.
Mặt khác, các hộ kinh doanh khác không thuộc diện phải thực hiện chế độ kế toán nhưng có nhu cầu thì được khuyến khích áp dụng theo Thông tư này.
Bạn mất gốc kế toán, bạn là sinh viên mới ra trường, bạn làm kế toán phần hành chưa làm thuế.
=> Bạn đặt ra mục tiêu năm tới phải làm được kế toán tổng hợp, phải được tặng lương thì bạn đăng ký học tại đây.
Điểm 2. Chủ hộ kinh doanh tự quyết định người làm kế toán
Khoản 1 Điều 3 Thông tư 88 năm 2021 của Bộ Tài chính quy định rõ, việc bố trí người làm kế toán của hộ kinh doanh do người đại diện hộ kinh doanh quyết định.
Có thể bố trí: Cha, mẹ đẻ, cha, mẹ nuôi, vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, anh, chị, em ruột của mình làm kế toán hoặc bố trí người làm quản lý, điều hành, thủ kho, thủ quỹ, người được giao nhiệm vụ thường xuyên mua, bán tài sản kiêm nhiệm làm kế toán.
Điểm 3. 5 Mẫu chứng từ kế toán mới của hộ kinh doanh
Nội dung chứng từ kế toán, việc lập, lưu trữ và ký chứng từ kế toán/kế toán điện tử của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được vận dụng theo quy định tại Điều 16, Điều 17, Điều 18, Điều 19 Luật Kế toán.
Từ ngày 01/01/2022, hộ kinh doanh áp dụng 05 mẫu chứng từ kế toán mới theo quy định tại Thông tư 88/2021/TT-BTC:
1/Phiếu thu
2/Phiếu chi
3/Phiếu nhập kho
4/Phiếu xuất kho
5/Bảng thanh toán tiền lương và các khoản thu nhập của người lao động
Điểm 4. 7 mẫu sổ kế toán mới dùng cho hộ kinh doanh
Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh sử dụng các sổ kế toán theo danh mục sau đây từ ngày 01/01/2022:
Tên sổ kế toán
1/Sổ chi tiết doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ
2/Sổ chi tiết vật liệu, dụng cụ, sản phẩm, hàng hóa
3/Sổ chi phí sản xuất, kinh doanh
4/Sổ theo dõi tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế với NSNN
5/Sổ theo dõi tình hình thanh toán tiền lương và các khoản nộp theo lương của người lao động
6/Sổ quỹ tiền mặt
7/Sổ tiền gửi ngân hàng
Điểm 5. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có nhiều địa điểm
Trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có nhiều địa điểm kinh doanh khác nhau thì hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh phải mở sổ kế toán để theo dõi chi tiết theo từng địa điểm kinh doanh.
Điểm 6. Xác định doanh thu, chi phí, nghĩa vụ thuế
Việc xác định doanh thu, chi phí, nghĩa vụ thuế đối với từng lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh của các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế.
Cụ thể, từ ngày 01/8/2021, việc xác định doanh thu, chi phí… của hộ kinh doanh được thực hiện theo Thông tư 40/2021/TT-BTC.