9 CÔNG VIỆC CỦA KẾ TOÁN KHI CÔNG TY MỚI THÀNH LẬP
Khi khởi nghiệp và hoàn tất quá trình đăng ký, các doanh nghiệp mới thường tự hỏi: "Sau khi thành lập công ty, cần bắt đầu từ đâu?" Trên thực tế, ngay khi nhận giấy phép kinh doanh, có nhiều công việc quan trọng mà doanh nghiệp cần nhanh chóng triển khai để vận hành trơn tru và tuân thủ pháp luật. Trong bài viết này, Kế toán Huế Chiaki sẽ hướng dẫn bạn các bước quan trọng cần thực hiện ngay sau khi thành lập doanh nghiệp. Cùng chúng tôi khám phá để chuẩn bị thật tốt cho hành trình phát triển của công ty mới!
1. Treo bảng hiệu công ty
Theo quy định, việc treo bảng hiệu công ty là nghĩa vụ bắt buộc đối với doanh nghiệp mới thành lập. Tại Khoản 4, Điều 37 Luật Doanh Nghiệp 2020 số 59/2020/QH14, tên doanh nghiệp phải được viết hoặc gắn tại trụ sở chính hoặc chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp đó.
Do đó, việc doanh nghiệp không treo bảng hiệu công ty có thể bị phạt từ 10 đến 15 triệu đồng, nặng hơn có thể bị khóa mã số thuế theo Điều 34 Nghị định 50/2016/NĐ-CP.
2. Mua chữ ký số
Chữ ký số (hay token) là chữ ký của công ty dưới dạng USB giúp doanh nghiệp thực hiện các thủ tục online như ký hợp đồng, giao dịch ngân hàng, bảo hiểm xã hội mà không cần in ấn hay đóng dấu.
Một doanh nghiệp có thể có nhiều chữ ký số, nhưng mỗi chữ ký số chỉ dùng cho một doanh nghiệp.
Công ty mới thành lập có thể mua chữ ký số từ các nhà cung cấp được cấp phép như MISA, VIETTEL, FPT, BKAV, CK, NACENCOMM, NEWTEL, SAFE-CA, VINA... Đây đều là những đơn vị được pháp luật cho phép cung cấp chữ ký số cho doanh nghiệp.
3. Phát hành hóa đơn điện tử
Hiện nay, theo Nghị định 123 và Thông tư 78, tất cả tổ chức, cá nhân kinh doanh, doanh nghiệp và hộ kinh doanh đều phải sử dụng hóa đơn điện tử.
Hiện nay, một số nhà cung cấp hoá đơn điện tử như Misa,Easyinvoice, SInvoice Viettel, Mobiphone Invoice, VNPT Invoice, FPT eINVOICE, BKAV,…
4. Mở tài khoản và thông báo số tài khoản ngân hàng
Ngày nay, tài khoản ngân hàng đóng vai trò rất quan trọng, giúp doanh nghiệp dễ dàng trong việc nộp thuế và thực hiện các giao dịch kinh doanh.
Đặc biệt, với quy định bắt buộc phải chuyển khoản cho mọi giao dịch trên 20 triệu đồng để được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào. Vì vậy, việc mở tài khoản ngân hàng trở thành một trong những nhiệm vụ thiết yếu mà doanh nghiệp không thể bỏ qua.
5. Nộp tờ khai thuế môn bài
5.1. Thời hạn nộp tờ khai lệ phí môn bài
Hạn chót nộp tờ khai và tiền lệ phí môn bài là trước ngày 30/01 năm sau năm thành lập
5.2. Mức đóng lệ phí môn bài
- Theo Nghị định 22/2020/NĐ-CP, công ty mới thành lập sẽ được miễn thuế môn bài trong năm đầu tiên hoạt động. Doanh nghiệp chỉ cần nộp tờ khai lệ phí môn bài một lần khi mới thành lập, và không cần thực hiện lại trong các năm tiếp theo, trừ khi có thay đổi về vốn. Nếu doanh nghiệp mở thêm chi nhánh hoặc địa điểm kinh doanh mới, sẽ cần nộp tờ khai lệ phí môn bài cho các chi nhánh hoặc địa điểm đó.
- Từ năm thứ 2 trở đi, mức phí môn bài doanh nghiệp phải đóng như sau:
Vốn điều lệ hay vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng: 3.000.000 đồng / năm
Vốn điều lệ hay vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống: 2.000.000 đồng / năm
Chi nhánh, văn phòng đại diện hay địa điểm kinh doanh …: 1.000.000 đồng / năm
Ví dụ: Công ty Kế toán Huế Chiaki thành lập ngày 30/10/2024 với vốn điều lệ là 1 tỷ
- Công ty được miễn tiền thuế môn bài năm 2024
- Nộp tờ khai thuế môn bài năm 2024: chậm nhất ngày 30/01/2025
- Nộp tiền thuế môn bài năm 2025: 2.000.000 đồng, nộp chậm nhất ngày 30/01/2025
- Từ năm 2026 trở đi, nộp tiền lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30/01 hàng năm
6. Lựa chọn phương thức khai thuế GTGT + TNCN
6.1. Kê khai thuế GTGT
- Có hai phương pháp để kê khai thuế GTGT: khấu trừ và trực tiếp
- Có hai kỳ kê khai thuế GTGT: Theo tháng và theo quý
=> Nếu DN đăng ký áp dụng thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thì gửi Tờ khai thuế GTGT Mẫu số 01/GTGT đến cơ quan thuế
Nếu DN đăng ký áp dụng phương pháp trực tiếp thì gửi Tờ khai thuế GTGT Mẫu số 04/ GTGT đến cơ quan thuế
Chú ý:
- Đối với các doanh nghiệp mới thành lập, việc kê khai thuế GTGT sẽ theo quý. Hạn nộp tờ khai thuế GTGT theo quý là vào ngày cuối cùng của tháng đầu của quý tiếp theo.
- Dù không phát sinh thì cũng phải nộp tờ khai thuế GTGT
6.2. Kê khai thuế TNCN
Có hai kỳ kê khai thuế TNCN: kê khai theo tháng và theo quý.
=> Nếu doanh nghiệp kê khai thuế giá trị gia tăng theo quý, thì kê khai thuế TNCN cũng sẽ theo quý.
Nếu trong quý không có phát sinh khấu trừ thuế TNCN cho bất kỳ nhân viên nào, thì không cần nộp tờ khai thuế TNCN.
Nếu trong quý phát sinh khấu trừ thuế TNCN cho nhân viên thì phải kê khai thuế TNCN
7. Lựa chọn chế độ kế toán
Có 03 chế độ kế toán:
Chế độ kế toán theo TT 200: Áp dụng cho doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế.
Chế độ kế toán theo TT 133: Áp dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Chế độ kế toán theo TT 132: Áp dụng cho các doanh nghiệp siêu nhỏ
8. Lựa chọn phương pháp khấu hao TSCĐ
Có 03 phương pháp trích khấu hao tài sản cố định:
+ Phương pháp khấu hao đường thẳng.
+ Phương pháp khấu hao theo số dư giảm dần có điều chỉnh.
+ Phương pháp khấu hao theo số lượng, khối lượng sản phẩm.
=> Trước khi bắt đầu thực hiện trích khấu hao TCSĐ thì DN phải thông báo cho cơ quan thuế.
9. Báo cáo sử dụng lao động, BHXH và kinh phí công đoàn
9.1.Những Báo cáo phải nộp cho Phòng (sở) Lao động thương binh xã hội:
- DN phải Báo cáo tình hình sử dụng 6 tháng đầu năm và hằng năm nộp cho Phòng LĐTBXH.
- Phải lập Sổ quản lý lao động lưu tại DN (trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày bắt đầu hoạt động)
- DN phải tự quyết định và xây dựng thang lương, bảng lương lưu tại DN.
9.2. Với cơ quan Bảo hiểm xã hội:
- Khi ký hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên => Thì DN phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho nhân viên.
- Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ký hợp đồng lao động => Phải tham gia BHXH bắt buộc.
9.3. Liên đoàn lao động
- Sau khi tham gia BHXH xong, nộp tiền BHXH xong thì liên hệ với Liên đoàn lao động Quận (huyện) nơi Doanh Nghiệp đóng địa bàn để nộp tiền Kinh phí công đoàn
Contact: Zalo 0978 259 075
FB: Nguyễn Huế https://www.facebook.com/hue.chiaki
Group: https://www.facebook.com/groups/KetoanonlineHuechiaki/