CÁC LƯU Ý KHI ĐÓNG BẢO HIỂM

Theo điều 42 của Quyết định 595/QĐ-BHXH:

1. Người lao động đồng thời có từ 02 HĐLĐ trở lên với nhiều đơn vị khác nhau thì

- Đóng BHXH, BHTN ở nơi ký kết đầu tiên

- Đóng BHYT ở nơi có mức tiền lương cao nhất

- Đóng BHTNLĐ, BNN theo từng HĐLĐ

2. Người lao động không làm việc và không nhận lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH.

3. Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng sẽ không phải đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN. Tuy nhiên, trong thời gian này, người lao động vẫn được hưởng quyền lợi từ BHYT

4. Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày trở lên trong tháng thì không phải đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN. Thời gian này được tính vào thời gian đóng BHXH nhưng không tính vào thời gian đóng BHTN, và cơ quan BHXH sẽ đóng BHYT cho người lao động.

Mức lương đóng BHXH trong sổ BHXH sẽ dựa trên mức lương của tháng trước khi nghỉ thai sản. Nếu trong thời gian nghỉ thai sản, người lao động được nâng lương, mức lương mới sẽ được ghi nhận từ thời điểm nâng lương.

Nếu người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực từ hệ số 0,7 trở lên, thời gian nghỉ thai sản cũng được tính như thời gian làm các công việc này.

Nếu HĐLĐ hết thời hạn trong thời gian người lao động đang nghỉ hưởng chế độ thai sản, thì thời gian từ khi nghỉ hưởng chế độ thai sản đến lúc HĐLĐ hết hạn vẫn được tính là thời gian đóng BHXH. Tuy nhiên, thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản sau khi HĐLĐ hết hạn sẽ không được tính là thời gian đóng BHXH.

Thời gian hưởng chế độ thai sản của người lao động chấm dứt HĐLĐ, HĐLV hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi không được tính là thời gian đóng BHXH.

Nếu lao động nữ đi làm trước khi hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định, thì thời gian từ khi nghỉ việc đến khi đi làm lại vẫn được tính là thời gian đóng BHXH. Kể từ khi quay lại làm việc trước khi hết hạn nghỉ sinh, cả lao động nữ và đơn vị sử dụng lao động phải đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN.

Trường hợp người cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng, người mẹ nhờ mang thai hộ, người cha nhờ mang thai hộ hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng hưởng chế độ thai sản mà không nghỉ việc thì người lao động và đơn vị vẫn phải đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN.

Bài viết cùng danh mục